Trong một đêm diễn xuất sắc tại Cái Răng – Cần Thơ, NSUT Bạch Long đã được Ban tổ chức và nhà tài trợ mời lên sân khấu đến hai lần tặng hoa và quà như một lời cảm ơn chân thành nhất muốn gởi đến anh và tập thể đoàn Đồng ấu Bạch Long đã biểu diễn hết mình qua bộ môn nghệ thuật cải lương với vở tuồng Xuân về trên đất Thăng Long.
NSUT Bạch Long gần như là trụ cột chính của đoàn, bởi anh đảm trách gần như đa dạng: Thầy tuồng, đạo diễn, phát hiện và nâng tầm các nghệ sĩ trẻ, rồi kiếm show, kiếm tuồng để cố gắng làm sao đoàn được hoạt động hiệu quả và công. việc bày gần như đã bám sát với anh gần như cả cuộc đời với thâm niêm tuổi nghề hơn 50 năm.
Xuất phát từ 5 giờ sáng để 11giờ trưa là tất cả đã có mặt tại sân tập với một sân khấu khá ấn tượng với các “phông màn” khá hiện đại, toàn bộ đều màu đỏ như tượng trưng cho một thánh đường của sân khấu. Khi nhạc nổi lên, trước mắt tôi là những “ông hoàng, bà chúa” thời @ đang hiện ra trên sân khấu có hàng chữ: Nam Phương Minh Châu đơn vị đồng hành với Bạch Long nhằm tạo ra một sân khấu hoành tráng và bắt mắt như thế này.
Lúc sáng có dịp ngồi ăn hủ tíu lề đường, tôi nhận thấy cả đoàn rất bình dân, hoà đồng thân thiện và đầy vui vẻ như một gia đình thân thiết, nhưng đ6en1 giờ tập trên sân khấu, các bạn như bị “ma nhập” ca diễn và nhập vai một cách… xuất thần, khiến không gian biểu diễn của trường Cao đẳng FPT náo nhiệt và sôi động đến lạ thường.
Nổi bật nhất vẫn là Thầy Bạch Long bịt khẩu trang, đội nón lá liên tục chỉ đạo từng động tác, điều khiển từng nghệ sĩ trẻ đứng đúng đội hình của vở tuồng. Nữ tướng Bùi Thị Xuân trong trang phục dân thường, cô cất tiếng hát cao vút như thúc giục ba quân bắt trói Phạm Khanh, người anh kết nghĩa theo phò Lê Chiêu Thống.
Chỉ một phân đoạn ngắn mà xem như tôi nổi da gà. Rõ ràng cải lương có một sức hút lạ kỳ, dù họ đang tập với những bộ đồ rất thường ngày. Nguyễn Huệ thì quần sọt áo sơ mi sọc, Ngọc Hân diện bộ cánh kín như bưng, đã vậy còn thêm cái khẩu trang nên khó nhận được cái nhan sắc mỹ miều. Thêm mấy anh lính đánh trận, dường như võ thuật cũng thuộc hàng cao thủ, nên các chiều thức rất ăn ý và đẹp mắt, nhất là chiêu bay lên kẹp cổ xoay người quật đối phương xuống sàn rất điệu nghệ.
Cứ tưởng là một buổi tập dợt cho quen sân khấu… lạ, nhưng xem ra từ vua đến quan, nhất là ông thầy Bạch Long khó tính cứ “quần quật” tập tới tập lui suốt 3 tiếng đồng hồ chỉ để các diễn viên trẻ thật nhuần nhuyễn ca diễn nhằm có đêm diễn tốt nhất để ra mắt khán giả là thầy cô, sinh viên trường Cao Đẳng.
Sau khi mở màn vài tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” của các sinh viên nhà trường, tiếp đến là phần giới thiệu long trọng về NSUT Bạch Long người đầu tiên của sân khấu Sài Gòn chịu về miền Tây diễn tuồng cổ.
Theo lời trưởng đoàn Bạch Long cho biết: ” Nhà trường rất bất ngờ khi nghe anh nhận lời về đây biểu diễn, tức nhiên là cái giá nhận show cũng rất là… sinh viên. Anh nghĩ, mình về phục vụ cho các em sinh viên là quý lắm, và đây cũng là dịp các bạn trẻ ở đoàn Đồng Ấu được thêm dịp chứng tỏ tài năng của mình. Ở các em có sự miệt mài học hỏi, luôn có chí cầu tiến và sẵn sàng phục vụ để nâng cao nghề nghiệp”.
Anh Bạch Long tỏ ra vui mừng khi nghĩ tới, từ mô hình này mình có thể phát triển biểu diễn ở những lần sau, có thể là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre… Cứ nhìn khán giả đội mưa chăm chú say mê xem nghệ sĩ trẻ biểu diễn như: Kim Nhuận Phát, Đổng Tường, Tài Nhân, Hạ Nắng, Bạch Luân, Trần Quân, Bạch Tú My… tự dưng trong lòng trổi lên những niềm hạnh phúc rất khó tả, nhất là các em sinh viên còn rất trẻ đã được tiếp xúc với bộ môn cải lương này.
Điều đáng mừng ở Đồng Ấu Bạch Long là ngoài một ông thầy có tâm, luôn tận tuỵ với từng học trò, từng cảnh diễn rồi từng động tác vũ đạo, điều dễ thấy nhất nếu như ai có dịp theo đoàn là các diễn viên trẻ này rất năng động. Có bạn vừa làm Tể Tướng trên sân khấu trong vở Lân Long Quy Phụng thì hôm sau đã thấy bạn ấy cầm chiếc máy ảnh Sonny chuyên nghiệp, em ấy tự giới thiệu là ngoài việc biểu diễn còn phụ với thầy chuyên trách về hình ảnh, quay phim, đảm bảo chất lượng cho các video clip nhằm quảng cáo hiệu quả cho hoạt động của đoàn.
Một cô gái còn rất trẻ, nhưng nhanh nhẹn tỏ ra bao quát mọi việc, từ sắp xếp ăn uống nghỉ ngơi, phát lương và cả việc nhắc nhở “thầy Bạch Long” kế hoạch chi tiết biểu diễn. Và các “nghệ nhân của ban cổ nhạc không phải là các thầy đờn chểm chệ uy nghi như năm nào, mà thay vào đó là các chàng trai trẻ rất ư sành công nghệ. Trống, đàn, sáo, bầu… tất cả dường như nằm trên cây đàn organ và chiếc lap top để trên bàn nằm góc ngang sân khấu. Các bạn trẻ này rất ư sành điệu và cảm theo từng điệu nhạc giúp cho các diễn tha hồ tung hoành trên sân khấu.
Các “anh thầy đờn” đang tập trung cho buổi tập luyện
Trong một đêm diễn, NSUT Bạch Long được nhà trường mời lên sân khấu đến 2 lần để nhận những bó hoa và các phần quà kỷ niệm, xem như sự tri ân của nhà tài trợ và nhà trường dành cho một nghệ sĩ đặc biệt đã hết lòng đưa đoàn Đồng Ấu Bạch Long về tận Cần Thơ biểu diễn. Cứ nhìn các khán giả không chịu ra về sau xuất diễn, tuần tự từng người trong cơn mưa lất phất xin chụp hình với các nghệ sĩ đủ thấy tinh thần yêu cải lương của người miền Tây tha thiết đến dường nào và cái tình của các nghệ sĩ Đồng Ấu gần như muốn cống hiến hết tất cả những gì mình có từ bộ môn nghệ thuật như Cải lương tuồng cổ.
Khán giả đội mưa say mê xem Đồng ấu Bạch Long biểu diễn
Có ai hình dung đây là Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân Công chúa?
NSUT Bạch Long lần thứ hai được mời lên sân khấu nhận quà của nhà tài trợ chương trình
Trúc Phạm